Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Chưa ngã ngũ việc bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời bằng hậu kiểm



Về phương thức quản lý hoạt động quảng cáo trên bảng và băng rôn quảng cáo ngoài trời, trong khi Ban soạn thảo dự án Luật Quảng cáo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì giữ quan điểm bỏ cấp phép bằng hậu kiểm, thì ở các sở, nhiều ý kiến muốn níu giữ!
Được “trình làng” từ năm 2009 với phương án bỏ cấp phép quảng cáo ngoài trời bằng hậu kiểm, hai năm qua, dự án Luật Quảng cáo “đụng” nhiều ý kiến trái chiều, trong đó không ít ý kiến còn “đe” hậu quả khó lường nếu quyết bỏ. Sau hai năm chỉnh sửa, bản dự thảo lần này để ngỏ hai phương án. Phương án 1 quy định: “Trước khi thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, tổ chức, cá nhân phải thông báo cho Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sở tại”. Theo phương án này, bỏ hình thức cấp phép, cá nhân, tổ chức chỉ cần thông báo cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau đó sẽ được hậu kiểm. Phương án 2 quy định: “Quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn phải có giấy phép thực hiện quảng cáo”.
Cấp phép: Tiền kiểm chiếu lệ
Dù đưa ra hai phương án lựa chọn, song ý của cơ quan soạn thảo muốn hướng việc áp dụng phương án 1 là bỏ cấp phép bằng hậu kiểm. Lý giải cho phương án này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, thủ tục cấp phép quảng cáo là hoạt động nhằm kiểm soát nội dung, hình thức của sản phẩm quảng cáo trước khi thực hiện. Tuy nhiên, nội dung, hình thức quảng cáo đã được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật nên phần lớn các phương tiện quảng cáo hiện nay, trong đó báo chí là phương tiện quảng cáo chiếm tỷ trọng lớn nhất đều tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động quảng cáo của mình.
Hơn nữa, khi cấp phép thì yếu tố cảm tính của nhà quản lý duyệt nội dung quảng cáo vẫn thể hiện khá rõ, nhất là đối với các nội dung quảng cáo có liên quan đến những khái niệm không cụ thể như thẩm mỹ, thuần phong mỹ tục... Vì vậy, có nhiều trường hợp nội dung quảng cáo được cấp phép nhưng không được sự đồng tình của người quảng cáo và công chúng.
“Việc xóa bỏ cấp phép thực hiện quảng cáo trên phương tiện này sẽ thúc đẩy người quảng cáo phải nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, tự chịu trách nhiệm về các nội dung quảng cáo của mình và thực hiện chiến lược quảng cáo một cách có hiệu quả, phù hợp yêu cầu của công chúng và quy định của pháp luật” – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định.


Quảng cáo ngoài trời cần được hậu kiểm chặt, hơn là tiền kiểm chiếu lệ.

Ở khía cạnh khác, thủ tục cấp phép quảng cáo đã và đang là rào cản cho hoạt động của các doanh nghiệp. Theo quy định, khi thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, panô, doanh nghiệp phải hoàn tất tối thiểu 8 loại giấy tờ. Khi thực hiện cùng một sản phẩm quảng cáo ở nhiều địa phương, doanh nghiệp phải xin cấp phép tại cơ quan quản lý quảng cáo ở tất cả các tỉnh, thành phố dự định thực hiện, có nhiều trường hợp cơ quan quản lý ở các địa phương có ý kiến khác nhau gây bức xúc, khiếu kiện. Một mặt, giấy phép quảng cáo không phải là một giấy bảo đảm về chất lượng sản phẩm, vấn đề này đã có các văn bản chuyên ngành về quản lý chất lượng hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng điều chỉnh thể hiện qua các giấy phép lưu hành sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Với việc quy định chặt chẽ trong Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn về điều kiện và các nội dung bắt buộc phải thể hiện trong sản phẩm quảng cáo của các loại hàng hóa đặc biệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân như sữa, mỹ phẩm, thuốc dùng cho người… thì việc kiểm soát nội dung quảng cáo trên bảng, biển, panô nên được quản lý bằng phương pháp hậu kiểm như các phương tiện quảng cáo khác.
Theo hướng này, Ban soạn thảo cho rằng, mức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mới là cao, đủ sức răn đe khi thực hiện hậu kiểm, đồng thời “việc bãi bỏ cấp phép đối với nội dung quảng cáo trên các phương tiện bảng quảng cáo, băng rôn và quản lý thông qua phương pháp hậu kiểm là hoàn toàn khả thi”.
Quan điểm được cho đổi mới này nhận được sự tán thành của cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Đình Cung, tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thừa nhận, bỏ giấy phép là xu thế tất yếu. Việc quảng cáo lâu nay lộn xộn chứng tỏ cơ chế quản lý bằng giấy phép không có hiệu quả, bỏ giấy phép quảng cáo và thay vào đó bằng phương pháp hậu kiểm chính là xu thế nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, phù hợp yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Một tính toán tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, để thực hiện một hợp đồng quảng cáo treo biển hiệu phủ kín địa bàn phải qua 25 “cửa”, chi phí “lo lót” ở các cửa rất nhiêu khê nhưng rốt cuộc, biển quảng cáo “bẩn” vẫn lọt lưới.
Tuy nhiên, phía ngược lại, nhiều Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch địa phương lại lắc đầu trước phương án được cho là đổi mới này. Các ý kiến này lập luận, quảng cáo ngoài trời hiện rất lộn xộn, nếu bỏ cấp phép khiến tình hình này càng phức tạp hơn. Sở muốn tiếp tục được giao quyền thẩm định, cấp phép. Có ý kiến còn “răn đe”, nếu bỏ cấp phép sẽ tạo kiểu tùy tiện thích là treo biển, gây phức tạp khó lường…
Mấu chốt ở mục đích đạt được
Theo chúng tôi, mặc dù còn những ý kiến khác nhau song việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra hướng bỏ cấp phép bằng hậu kiểm là cần thiết, đó là cách làm phù hợp xu thế phát triển. Giữ hay bỏ, suy cho cùng là mục đích đạt được. Nếu mục đích việc cấp phép không đạt được, chỉ tạo sự nhiêu khê, phức tạp, tiêu cực thì việc để tồn tại giấy phép chỉ làm rối tình hình. Trong các ý kiến của địa phương, cũng cần xem động cơ góp ý, bởi một khi lợi ích cá nhân, cục bộ còn ăn theo các “cửa” cấp phép quảng cáo, rõ ràng không ai muốn bỏ! Quan trọng là hậu kiểm chặt, theo đó nếu quảng cáo không phù hợp, nội dung sai trái sẽ bị xử phạt và buộc tháo dỡ.
Phải vì cái chung, vì xu thế phát triển, cách làm nào vừa tạo sự thông thoáng, tiến bộ mà đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước thì cần được lựa chọn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến

Cao Hà thủ Ô

Cao Hà thủ Ô
Cao Hà thủ Ô, cây thuốc nam

Nón Bảo Hiểm Thái Lan

Nón Bảo Hiểm Thái Lan
Nón Bảo Hiểm Kín Hàm

Google Analytics

Tổng số lượt xem trang